Vài nét về hệ thống Giáo dục Điều dưỡng tại Thái Lan

nganhdieuduongtaithailan

Điều dưỡng) – Ngành Điều dưỡng và hệ thống giáo dục điều dưỡng Thái Lan:Quá khứ, hiện tại và tương lai Ngày nay, hệ thống giáo dục điều dưỡng tại Châu Á đang có những bước tiến mạnh mẽ để bắt kịp sự thay đổi về kinh tế xã hội trong toàn khu vực và trên thế giới. Thái lan đã và đang đạt được những tiến bộ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe mà điển hình là tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với người dân, giảm tỷ lệ chết ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời Thái Lan là điểm đến của các dịch vụ du lịch về sức khỏe đối với các khách hàng từ các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản và các nước khu vực Trung Đông. Ngành điều dưỡng cùng với ngành y khoa đã có những bước tiến từ những năm cuối của thế kỷ XIX. Trường đào tạo điều dưỡng đầu tiên được thành lập vào năm 1896, đến năm 1950 bộ Y tế công cộng Thái đã thành lập cơ quan Điều dưỡng trực thuộc. Chương trình đào tạo cử nhân điều dưỡng 4 năm lần đầu tiên được giới thiệu năm 1956, đến năm 1971 đã có khoa điều dưỡng đầu tiên trực thuộc trường đại học. Từ năm 1973 một yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên muốn đăng ký học ngành điều dưỡng phải có bằng tốt nghiệp lớp 12, sự thay đổi này bắt nguồn từ những điều dưỡng tốt nghiệp từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ. Cũng trong năm 1973, chương trình thạc sỹ điều dưỡng 2 năm được bắt đầu, và đến năm 1984 người Thái đã có chương trình đào tạo Tiến sỹ điều dưỡng, đây là kết quả từ sự hợp tác của 4 trường Đại học hàng đầu Thái Lan lúc bấy giờ. Sau đó chính phủ Hoàng gia Thái Lan đã hỗ trợ liên kết đào tạo với các trường điều dưỡng nước ngoài, chương trình này được khởi động vào năm 1999, tại khoa Nursing đại học Chiang Mai. Ngày nay, một điều bắt buộc đối với các trường đào tạo điều dưỡng phải có từ 4-8 tiến sỹ chuyên ngành điều dưỡng. Tính đến năm 2006, tất cả các trường đào tạo điều dưỡng có 259 tiến sỹ (8%), 2333 thạc sỹ (74%) và 552 người có trình độ đại học điều dưỡng (18%) và hơn 3000 điều dưỡng có trình độ đang làm việc tại các bệnh viện và viện nghiên cứu cùng tham gia giảng dạy. Để tăng cường chất lượng thực hành điều dưỡng, luật hành nghề được ban hành vào năm 1997, đến năm 1998 Hội đồng Điều dưỡng Thái Lan (HĐĐD) lần đầu tiên tổ chức kỳ thi quốc gia về cấp chứng chỉ hành nghề, đồng thời cứ 5 năm tất cả điều dưỡng phải đăng ký lại chứng chỉ hành nghề của mình. Để đảm bảo chất lượng giáo dục trong lĩnh vực điều dưỡng, các trường đào tạo đều phải đăng ký với HĐĐD Thái và công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tiến hành trong vòng 1-5 năm một lần. Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra về chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo của các khoa, phương pháp dạy/học, những nghiên cứu và ấn bản đã phát hành, các dịch vụ cộng đồng của nhà trường, cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính, hồ sơ tốt nghiệp, cũng như những hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo. Ngày nay, những xu thế thay đổi về kinh tế chính trị đã và đang tác động nhiều đến ngành Điều dưỡng như khách hàng sử dụng dịch vụ y tế, công nghệ y học, giá cả, chăm sóc lâm sàng, quản lý chăm sóc, chính sách y tế, nguồn nhân lực. Thêm vào đó Thái Lan đang trong tiến trình tái cơ cấu lại hệ thống y tế tập trung vào sự công bằng, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt tập trung vào khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và chất lượng y tế. Điều này đòi hỏi các nhà giáo dục điều dưỡng phải có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự thay đổi. Một điều rõ ràng rằng, đang có những sự thay đổi nhanh và hệ thống trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường ở Thái Lan. Những điều này bắt buộc hệ thống đào tạo điều dưỡng phải thay đổi và không ngừng cải tiến để nâng cao vị thế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh, bắt kịp những tiến bộ trong y, dược học. Một sự cải thiện trong hệ thống đào tạo điều dưỡng đó là ngày càng nhiều giáo viên đang theo học ở trình độ tiến sỹ cũng như điều dưỡng thực hành chuyên nghiệp (Advanced Practice Nurses – APNs) ở các lĩnh vực như chăm sóc ban đầu, thực hành lâm sàng, quản lý giáo dục. Điều dưỡng ngày càng cần nhiều những học thuyết, các nghiên cứu, cũng như khả năng thực hành chăm sóc để nâng cao dịch vụ y tế cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có nhiều nghiên cứu, xây dựng các học thuyết điều dưỡng và phổ biến nó từ những người có trình độ tiến sỹ và sau tiến sỹ. Việc tiếp tục học để nâng cao trình độ cho người điều dưỡng cả thực hành lâm sàng lẫn cộng đồng là điều rất quan trọng bởi những thay đổi có tính toàn cầu, những tiến bộ về khoa học công nghệ, mô hình bệnh tật mới. Nguồn nhân lực điều dưỡng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trong tương lai bởi dân số già. Bên cạnh đó tương lai ngành cũng cần chuẩn bị để đối mặt với tình trạng những người quản lý, lãnh đạo giỏi, có kỹ năng sẽ chuyển đổi vị trí công tác giữa các tổ chức, từ nhà nước sang lĩnh vực tư nhân. Ngoài ra, sự hợp tác và hội nhập của các cá nhân, tổ chức trong hệ thống y tế. Mối quan hệ giữa các tổ chức nghề nghiệp trong hệ thống y tế như bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ cần được tái cơ cấu. Một sự tiến bộ nữa mà hệ thống giáo dục điều dưỡng Thái lan đạt được đó là sự hợp tác giữa các tổ chức đào tạo không nhưng trong phạm vi quốc gia mà còn vươn ra tầm châu lục như là những đối tác tin cậy. Tầm nhìn và sự hỗ trợ của các chính quyền sẽ giúp các giáo viên và học viên đạt được những nỗ lực này. Các chương trình hợp tác được thiết kế mềm dẻo, có chất lượng, luôn được cập nhật sẽ đảm bảo cho việc ứng dụng vào thực tế giảng dạy. Một ví dụ điển hình đó là Chương trình hợp tác phát triển nâng cao giáo dục điều dưỡng (the Program of Higher Nursing Education Development – POHNED). Các đối tác của chương trình này là Đại học Chiang Mai và 8 trường đại học của Trung Quốc như Đại học Y khoa Bắc Kinh, Đại học Y khoa Trung Quốc, Đại học Y khoa tỉnh Hồ Nam, Đại học Y khoa Thượng Hải, … Chương trình này được tài trợ bởi China Medical Board với mục tiêu của chương trình nàylà Thái lan sẽ giúp đào tạo các điều dưỡng có trình độ Thạc sỹ cho các trường đại học nói trên. Các học viên đến từ Trung Quốc sẽ có một thời gian học tại Trung Quốc, sau đó chuyển tới Chiang Mai, Thái Lan để tiếp tục học. Khi chương trình này kết thúc vào năm 2001, đã có 84 học viên tốt nghiệp Thạc sỹ, giờ đây lực lượng này đang đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực giáo dục cũng như trên lâm sàng. Hơn nữa, việc phát triển nghiên cứu khoa học là điều kiện sống còn để cung cấp phương pháp dạy học dựa vào bằng chứng, phát triển tư duy phản biện, cũng như các chiến lược dạy/học cho phù hợp với sự phát triển hiện nay. Phương pháp giải quyết vấn đề, phương pháp tư duy phản biện đã được đưa vào chương trình giáo dục giúp sinh viên ứng dụng chúng trong qui trình điều dưỡng. Các kết quả nghiên cứu từ lâm sàng đã được đưa vào nội dung bài giảng, giúp sinh viên hiểu được tầm quan trọng của nghiên cứu điều dưỡng, cũng như giá trị của thực hành dựa vào bằng chứng. E-learning, Problem-based learning, và các phương pháp tự học đang ngày càng được khuyến khích. Thêm vào đó đạo đức điều dưỡng cũng được đưa vào trong quá trình dạy/học. Tóm lại, trong tương lai thực hành điều dưỡng tại Thái Lan sẽ dựa vào bằng chứng và tư duy phản biện. Bên cạnh đó sẽ tăng cường nghiên cứu khoa học để đáp ứng những thách thức mới, đồng thời các chương trình đào tạo sẽ được phân tích và chỉnh lý trong từng giai đoạn để phù hợp với yêu cầu thực tế. Điều này bao gồm phân tích và chỉnh lý cả chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Một điều hết sức quan trọng nữa là việc phát triển đào tạo song song Tiến sỹ điều dưỡng và các điều dưỡng thực hành chuyên nghiệp (APNs) sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn về chât lượng chăm sóc cũng như trong giáo dục. Cần khuyến khích hơn nữa sự hợp tác giữa các trường để vượt qua rào cản văn hóa, giáo dục đồng thời chia sẻ những lợi ích, tri thức giữa các vùng miền. Các nhà lãnh đạo và giáo dục điều dưỡng Thái Lan phải thay đổi để vượt qua những thử thách trong tương lai và chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu chăm sóc về các dịch vụ điều dưỡng của người dân Thái. Nguồn: Dịch từ bài viết của Giáo sư Wipada Kunaviktiku

Nguồn: http://tuyensinhdieuduong.net/tin-tuc/vai-net-ve-he-thong-giao-duc-dieu-duong-tai-thai-lan/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *