Thăm vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là một vườn tại huyện Bồ Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50km về phía Tây Bắc. Từ thủ đô Hà Nội đến Phong Nha – Kẻ Bàng khoảng 500 km.

Phong Nha – Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000ha, khu vực tiếp giáp vườn quốc gia này cũng có diện tích núi đá vôi khoảng hơn 200.000 ha, Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha.

Các hang động của vườn có tổng chiều dài khoảng hơn 80km nhưng cho đến thời điểm hiện nay các nhà thám hiểm trong cũng như ngoài nước mới chỉ thám hiểm được hơn 20 km.

Tháng 4 năm 2009, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện và công bố hang Sơn Đoòng là hang động có kích thước lớn nhất thế giới. Hang Sơn Đoòng cao 200m và rộng 150m, lớn hơn nhiều lần những hang trước động lớn trên thế giới như hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu, Malaysia và lớn gấp gần 5 lần so với Phong Nha.

son-doong

Tên gọi vườn quốc gia này được ghép từ hai phần gồm tên động Phong Nha và tên khu vực rừng đá vôi Kẻ Bàng. Động Phong Nha trước đây là hang động lớn nhất và đẹp nhất trong quần thể hang động ở đây. Trước khi trở thành vườn quốc gia, khu vực này vốn là một khu bảo tồn tự nhiên có diện tích 5000 ha. Vào ngày 12 tháng 12 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 189/2001/QĐ-TTg chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng thành vườn quốc gia như hiện nay.

Bên cạnh giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, Phong Nha – Kẻ Bàng còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên, những hang động như những lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước.

Có thể nói Phong Nha – Kẻ Bàng như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu bởi cấu trúc địa lý phức tạp, tập hợp nhiều loại đá khác nhau như sa thạch, thạch anh, phiến thạch, đá vôi chứa silic, đá mac-nơ, đá granodiorite, đá diorite, đá aplite, pegmatite… Phong Nha – Kẻ Bàng cũng chứa đựng lịch sử phát triển địa chất phức tạp, lâu dài từ 400 triệu năm trước của trái đất. Trải qua các giai đoạn kiến tạo quan trọng và các pha chuyển động đứt gãy, phối tảng, uốn nếp đã tạo ra các dãy núi trùng điệp và các bồn trầm tích bị sụt lún. Những biến động trên cũng đã góp phần tạo nên sự đa dạng về địa chất, địa hình, địa mạo.

phong-nha-ke-bang

Vùng đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng có những đặc trưng toàn cầu trong nhiều giai đoạn phát triển từ kỷ Ordovic muộn – Silur (463,9 – 430 triệu năm trước) đến kỷ Đệ Tứ (1,75 triệu năm trước). Một đặc điểm mang tính đặc thù ở đây là hệ thống sông chảy ngầm và các hang động trong lòng núi đá vôi.

Vùng địa mạo phi đá vôi có đặc điểm chung là núi thấp với thảm thực vật phủ trên bề mặt. Quá trình bào mòn tạo ra các thềm dọc theo các thung lũng của các sông Son, sông Chày hay tại các bờ của các khối núi đá vôi ở vùng trung tâm. Vùng địa hình chuyển tiếp là những dạng khác nhau xen giữa các núi đá vôi.

Nằm trong vùng có lượng mưa trung bình hàng năm khá cao nhưng nước ở đây đã ngấm và chảy ngầm trong lòng các núi đá vôi, trải qua hàng chục triệu năm đã tạo nên vô số hang động ở khu vực này. Tại Phong Nha – Kẻ Bàng có khoảng 300 hang động lớn nhỏ được chia thành ba hệ thống chính: hệ thống động Phong Nha, hệ thống hang Vòm và hệ thống hang Rục Mòn.

So với 3 vườn quốc gia khác ở khu vực Châu Á đã được Unesco công nhận là Vườn quốc gia gồm : Vườn quốc gia Gunung Mulu ở Malaysia ; Vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa ở Palawan của Philippine và Vườn quốc gia Lorentz của Indonesia thì Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng của Việt Nam có lịch sử dài hơn, cấu tạo địa chất phức tạp hơn và hệ thống sông ngầm đa dạng hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *