Nghệ thuật múa rối nước là sản phẩm đặc sắc của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng. Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước được nhiều địa phương quan tâm. Việc đưa nghệ thuật rối nước tại các làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch đang là hướng đi mới, trong đó phường rối nước Hồng Phong (xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) đã tham gia khá hiệu quả.
Những tích trò độc đáo
Tại ngôi thủy đình giữa làng Bò, khi người xem ổn định chỗ ngồi, lời ca của các nghệ nhân nông dân cất lên lảnh lót, giới thiệu các tích trò truyền thống như có tích trò “Thần Kim quy dâng lửa đốt đá quý” khá hấp dẫn: “Cầu nguyện thần Kim Quy nổi sóng. Êm ru nhẹ nhàng, cụ nổi sóng nhô đầu lên phun lửa, cờ bật dậy, như phép tiên. Rùa nổi lên, mở cờ bật dậy…”. Cùng với lời dẫn của người nghệ sỹ, một cụ rùa nổi lên phun lửa, cờ bật đều trên cả sân khấu, khiến người xem ngỡ ngàng, thú vị.
Ông Phạm Văn Tòng, trưởng phường rối nước Hồng Phong, cho biết: “Phường có các tích trò hấp dẫn trong dân gian như múa tễu giáo đầu, múa rồng, múa tiên và tích trò mới phù hợp với cuộc sống hiện nay như múa ca ngợi nông nghiệp, đánh bắt cá… Đặc sắc hơn cả là múa rối cổ, rối dây mà điển hình là tích trò “Thần Kim quy dâng lửa đốt đá quý”, cầu phúc, cầu an cho dân làng, trong tích trò có pháo thăng thiên bay lên, đó là hiệu lệnh bật cờ cho sân khấu rối nước. Tiếp theo là trò đấu ngựa trên cửa sắt với đôi ngựa và 2 chàng kỵ sỹ di chuyển linh hoạt giao tranh với nhau, tiến lui nhịp nhàng theo điệu trống lệnh. Rồi tiết mục mở hội làng có trò cắm cờ hội ở hai bên sân khấu với sự điều khiển của diễn viên hai bên điều khiển rối cầm cờ ra cắm, cách buồng trò 3-4 m làm người xem ngạc nhiên… Đó là những tích trò độc đáo thể hiện sự thành công của phường rối Hồng Phong mà các cụ lưu truyền lại. Đây là trò rối cổ không phường nào có được. Để điều khiển các con rối diễn uyển chuyển trên mặt nước theo ý mình, các nghệ nhân đã phải tập tay rất công phu hàng tháng trời cho mỗi vở diễn. Chính vì thế, những tích trò do phường biểu diễn luôn để lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách và bạn bè quốc tế”.
Tự hào về truyền thống rối nước Hồng Phong, ông Nguyễn Thành Vạn, trưởng phòng văn hóa huyện Ninh Giang chia sẻ: Nghệ thuật múa rối nước đặc trưng mà có tích trò ngay cả Nhà hát múa rối nước Trung ương cũng không có. Đó là các nơi khác dùng sào đưa con rối ra rồi giật dây, còn ở đây cắm cọc âm ở dưới nước rồi dùng hệ thống dây điều khiển con rối; động tác khéo léo, điêu luyện.
Làng rối nước truyền thống Hồng Phong trước có tên Bồ Dương, nay làng có tên là làng Bò. Qua những bức chạm khắc trên đình làng, ngay cạnh thủy đình, có thể phỏng đoán rối nước Hồng Phong có từ thế kỷ 17 bởi có nhiều bức khắc các nhân vật rối nước như tiên nữ, tễu giáo đầu, tễu vuốt râu rồng, tễu leo cột… Trải qua hai cuộc kháng chiến, rối nước Hồng Phong qua nhiều bước thăng trầm. Từ năm 1989, được sự quan tâm của chính quyền xã với sự nhiệt tình của các nghệ nhân các dòng họ Ngô, Nguyễn, Phạm, Đặng…, phường múa rối nước Hồng Phong tiến hành dàn dựng lại các tích trò và phát triển như ngày nay.
Ông Nguyễn Thành Vạn cho biết: Sự độc đáo của rối nước Hồng Phong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của quỹ Ford và Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL), giúp tôn tạo nhà thủy đình, các vật dụng, làm mới các con rối theo các tích trò để phục vụ biểu diễn. Nhà thủy đình khang trang ngay tại trung tâm thôn, xung quanh có nhà văn hóa, đình làng tạo thành cảnh quan hài hòa cho biểu diễn. Một năm, phường rối Hồng Phong có vài dịp lên biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) do có cách điều khiển tích trò độc đáo. Đồng thời, phường múa rối nước Hồng Phong còn được mời đi biểu diễn ở nhiều lễ hội trong tỉnh và các tỉnh bạn, tham gia các liên hoan múa rối nước toàn quốc, giành nhiều giải vàng, bạc và là thành viên của Hội múa rối nước Việt Nam.
Ngoài tham gia các buổi biểu diễn tại các hội diễn, một hướng bảo tồn làng nghề rối nước Hồng Phong là phục vụ khách du lịch. Ông Phạm Văn Tòng cho biết: “Đã có nhiều đoàn khách liên hệ xem biểu diễn. Trong năm qua, phường rối Hồng Phong phục vụ hơn 500 du khách quốc tế. Việc phục vụ du khách góp phần tạo thêm thu nhập, khiến các nghệ sĩ chúng tôi gắn bó với nghề bên cạnh đam mê trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống”.
Nhằm tạo thành điểm nhấn trong chương trình Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng, Tổng cục Du lịch và Sở VH, TT&DL Hải Dương đã tổ chức đoàn khảo sát để giới thiệu với các doanh nghiệp du lịch một sản phẩm độc đáo. “Cái hấp dẫn của nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong là sự thành thục của các nghệ sĩ nông dân, vẫn quen tay cày tay cấy, nhưng khi được triệu tập biểu diễn rất nhiệt tình. Đặc biệt rất hấp dẫn với khách quốc tế ưa khám phá truyền thống văn hóa. Điểm này thì phường rối nước Hồng Phong cần bảo tồn và duy trì”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết.
“Chuyên gia Nhật Bản thuộc JICA đã về phường rối nước Hồng Phong nghiên cứu loại hình nghệ thuật truyền thống này và đề xuất JICA hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất. Các chuyên gia Nhật rất ngạc nhiên về tích trò, dù đã xem nhiều vở diễn rối nước, nhất là phương pháp điểu khiển rối bằng dây khiến họ ngỡ ngàng. Đây là cơ hội để phường rối nước Hồng Phong học hỏi nhiều hơn để bảo tồn trò cũ và nghiên cứu phát triển trò mới”, ông Vạn chia sẻ.
Các doanh nghiệp lữ hành chung nhận định, rối nước Hồng Phong có nhiều nét đặc sắc mà khách phương Tây yêu thích, tuy nhiên trong quá trình bảo tồn cần giữ nét đặc sắc của vùng quê đồng bằng Bắc bộ. “Đối với khách quốc tế, họ không chỉ xem trình diễn mà còn tìm hiểu đời sống tinh thần, nét văn hóa qua giao lưu với những nghệ sĩ nông dân. Do đó, giữ được bản chất thuần nông và không gian văn hóa làng quê sẽ là yếu tố hấp dẫn khách về lâu dài”, anh Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Vietvision Travel chia sẻ: “Điểm múa rối nước Hồng Phong nằm trên liên tuyến tham quan đảo Cò (Thanh Miện), đền thờ họ Khúc, đền Tranh (Ninh Giang) phía nam tỉnh Hải Dương. Tuyến điểm này khi đường 5 mới hoàn thành sẽ là điểm dừng chân tham quan hấp dẫn khách”.
Bài và ảnh: Xuân Cường